NHÀ GIÁO CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH
“TẤM GƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ TỰ HỌC”
NGƯT: Phùng Đình Ước
Giáo dục là chìa khoá của thời đại, giáo dục phải đi trước thời đại với việc chuẩn bị những con người đáp ứng cho thời đại ấy. Trong một thời gian dài, giáo dục nước ta làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, với một lối mòn của tư duy, ngành giáo dục và đào tạo của nước ta cũng đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế, thậm chí là thụt lùi so với trào lưu giáo dục của thế giới.
May thay, cuộc vận động “Hai không” đã đặt ra những vấn đề để giải quyết các vấn nạn cuả giáo dục nước ta. Đổi mới tư duy trong giáo dục, nhìn nhận, đánh giá và yêu cầu chất lượng giáo dục phải tương thích và đi trước thời đại là vấn đề sống còn của giáo dục nước ta hiện nay.
Một trong những vấn đề sống còn của giáo dục nước ta hiện nay là phải đạt được 4 mục tiêu giáo dục của thời đại như UNESCO đã đặt ra là học để biết (to know), học để làm (to do), học để tồn tại (to be), và học để chung sống (to live); hay cụ thể hơn như Luật giáo dục 2005 sửa đổi đã qui định.
Vậy để đạt được các mục tiêu giáo dục đó, chúng ta phải làm gì? Các nhà quản lý giáo dục ở cấp vĩ mô đã xác định nội dung, biện pháp để thúc đẩy cuộc cách mạng, chấn hưng giáo dục Việt Nam. Một trong những nội dung, biện pháp lớn là đặt ra những yêu cầu để người thầy giáo phải trở thành một tấm gương về đạo đức và tự học. Tại sao phải như vậy?
Theo thiển ý, đạo đức của người thầy giáo là điều kiện “CẦN” để có thể làm nghề dạy học.
Đạo đức của người thầy giáo xưa và nay đều có một điểm chung: Đạo đức là điểm khởi đầu và là điều kiện tất yếu của nghề dạy học. Cái tâm trong sáng, đạo đức mẫu mực, phẩm chất thanh cao, cuộc sống giản dị, chân thành, độ lượng, khoan dung phải xuyên suốt cả cuộc đời và ngày càng toả sáng, là một trong những mục tiêu của đời người thầy giáo.
Tài năng sư phạm của người thầy giáo là điều kiện “ĐỦ” của nghề dạy học. Tài năng sư phạm không phải tự nhiên mà có, mà phải là một quá trình học tập và rèn luyện. Chúng ta cần nhìn nhận tài năng sư phạm trong thời đại mới: thời đại toàn cầu hoá - thời đại của văn minh trí tuệ - thời đại hội nhập kinh tế thế giới. Yêu cầu của thời đại đặt ra những vấn đề hết sức to lớn trong việc thu nhận và xử lý thông tin, chọn lọc thông tin, lập hàng rào miễn dịch trước những thông tin không phù hợp. Vì vậy, người thầy giáo cần phải đặt ra cho mình một nhu cầu tự học, nội dung tự học và phương pháp tự học. Việc tiếp cận những thành quả của nền văn minh trí tuệ, của công nghệ giáo dục hiện đại trong môi trường toàn cầu hoá, với sự giao thoa về văn hoá và trước yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước ngang tầm các nước tiên tiến; đồng thời, giữ gìn, phát huy những bản sắc cuả nền giáo dục cũng như văn hoá dân tộc là điều vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn của nền giáo dục nói riêng, văn hoá nói chung.
Chúng ta đều đã biết vấn đề tự học là vấn đề của mọi thời đại, song trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, vấn đề tự học, đổi mới tư duy trong các hoạt động sư phạm, sự sáng tạo trong công tác giáo dục là chìa khoá thành công của nền giáo dục đất nước. Vậy thì, nhà giáo cần phải làm gì để trở thành tấm gương về đạo đức và tự học?
Nghề giáo có một điều rất đặc biệt so với tất cả các ngành nghề khác, đó là, người thầy giáo dùng cả nhân cách của mình để làm công cụ giáo dục cho thế hệ trẻ. Nhân cách của người thầy giáo chính là đạo đức mô phạm và tài năng sư phạm của họ. Làm sao có thể giáo dục đạo đức cho học sinh khi người thầy giáo không có đạo đức. Đạo đức của người thầy giáo là chuẩn mực của đạo đức xã hội. Tất cả các phạm trù đạo đức, khái niệm đạo đức, ý thức đạo đức, niềm tin đạo đức, nhu cầu về đạo đức, hành vi về đạo đức cần phải được phản ánh sinh động qua lời nói và việc làm của người thầy giáo. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm là yêu cầu cốt tử về đạo đức của người thầy giáo. Có như thế người thầy giáo mới trở thành tấm gương về đạo đức cho học sinh noi theo.